Phân tích thị trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình chiến lược kinh doanh và đảm bảo sự thành công và cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đây lại càng là quy trình doanh nghiệp không thể bỏ qua bởi thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều thách thức và rào cản gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Sự thiếu hiểu biết chính xác về thị trường có thể khiến doanh nghiệp lãng phí thời gian, nguồn lực và tiền bạc của mình.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về phân tích thị trường và vai trò của việc phân tích thị trường trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu nhé!
1. Phân tích thị trường là gì?
Phân tích thị trường (Market analysis) là quá trình nghiên cứu và đánh giá các yếu tố và thông tin tương quan trong một thị trường cụ thể. Nó nhằm giúp hiểu rõ về tình hình và xu hướng của thị trường, từ đó đưa ra những dự đoán và quyết định chiến lược trong kinh doanh.
2. Phân tích thị trường trong kinh doanh xuất khẩu
2.1. Kinh doanh xuất khẩu là gì?
Kinh doanh xuất khẩu là hoạt động buôn bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ từ nước sở tại sang các quốc gia khác. Đây là một hoạt động quan trọng của thương mại quốc tế và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia.
2.2. Tại sao phải phân tích thị trường khi kinh doanh xuất khẩu?
Thị trường quốc tế đầy tiềm năng có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp chẳng hạn như mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu và lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro có thể đến từ xu hướng tiêu dùng đa dạng, sự khác biệt về sở thích, thói quen, văn hóa cũng như áp lực cạnh tranh lớn đến từ các thương hiệu có sẵn trên thị trường. Những yếu tố này đều sẽ quyết định đến khả năng thành công của doanh nghiệp khi muốn bán sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Chính vì vậy, việc thực hiện phân tích thị trường để có thể nắm rõ được đặc điểm của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, những chính sách liên quan đến thương mại,… là vô cùng cần thiết.
Để từ đó giúp doanh nghiệp xác định được khách hàng mục tiêu, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, thời điểm thâm nhập thị trường và đưa ra những chiến lược kinh doanh khác một cách hiệu quả nhất.
3. Các yếu tố cần phân tích trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu
3.1. Đặc điểm thị trường
Khi muốn kinh doanh xuất khẩu, trước hết doanh nghiệp cần phân tích các đặc điểm của thị trường mục tiêu như quy mô, tăng trưởng kinh tế, dân số, thu nhập trung bình, đặc điểm văn hóa và xã hội. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, xu hướng mua hàng, và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm mà doanh nghiệp dự định xuất khẩu.
Ví dụ:
Một doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản sang Mỹ, khi phân tích đặc điểm thị trường sẽ biết được rằng thị trường nông sản Mỹ có quy mô lớn với nhiều sản phẩm đa dạng bao gồm ngô, đậu tương, thịt gia cầm, thịt bò, lúa mì, đậu nành, bơ, hạt điều, hạt dẻ, trái cây và rau quả tươi.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người Mỹ rơi vào khoảng $63,000 với dân số khoảng 337 triệu người. Những thông tin này có thể giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu tiêu dùng nông sản của người Mỹ cũng như khả năng thâm nhập được vào thị trường này.
3.2. Nhu cầu và xu hướng tiêu dùng
Trong kinh doanh xuất khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sản phẩm và thị trường mục tiêu. Phân tích nhu cầu và xu hướng tiêu dùng giúp doanh nghiệp hiểu rõ được “insight” của khách hàng và tạo ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Các yếu tố bao gồm sự ưa chuộng sản phẩm/nhóm sản phẩm, thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu về chất lượng và giá cả,…
3.3. Đối thủ cạnh tranh
Không những phải cạnh tranh với thương hiệu nội địa, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp xuất khẩu đến từ các quốc gia khác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh về sản phẩm, giá cả, chiến lược tiếp cận thị trường, và điểm mạnh, điểm yếu của họ trong phân tích thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định được khả năng cạnh tranh cũng như phân định vị trí của mình.
3.4. Quy định và chính sách thương mại
Mỗi đất nước sẽ có các quy định và chính sách thương mại khác nhau, đặc biệt là với những thị trường khó tính như EU và Mỹ thì các yêu cầu về xuất khẩu sản phẩm sẽ rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp cần nắm rõ về các rào cản thương mại, thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ, và các quy định xuất khẩu và nhập khẩu khác của thị trường mục tiêu. Điều này giúp doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ các quy định pháp lý cũng như tìm kiếm cơ hội và lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh.
Ví dụ:
Đối với mặt hàng thực phẩm và dược phẩm nói chung, để xuất khẩu sang Mỹ, tất cả doanh nghiệp cần tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và phải có được chứng nhận FDA.
Nếu muốn xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng sản phẩm tuân thủ các quy định của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA) và phù hợp với tiêu chuẩn hợp pháp của EU.
3.5. Phân tích SWOT
Phân tích SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats) là một trong những công cụ phổ biến trong phân tích thị trường và giúp doanh nghiệp đánh giá các yếu tố nội bộ và bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Điều này giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội và đối phó với những rủi ro và thách thức.
Ngoài ra, các công ty nên sử dụng thêm các công cụ phân tích thị trường khác như PESTLE (Political, Economic, Sociocultural, Technological, Environmental, Legal) và 5 Forces (Five Forces Model) để đánh giá các yếu tố tác động và xác định cơ hội và rủi ro trong thị trường mục tiêu.
4. Dịch vụ phân tích thị trường
Đối với thị trường trong nước, việc phân tích thị trường đã không còn quá khó khăn với các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều sở hữu một đội ngũ chuyên gia am hiểu về các lĩnh vực tại Việt Nam để có thể giúp đưa ra những đề xuất phù hợp khi doanh nghiệp muốn bán một sản phẩm nào đó. Đối với những cá nhân muốn kinh doanh, họ hoàn toàn có thể tự phân tích thị trường từ những nguồn thông tin sẵn có.
Tuy nhiên, phân tích thị trường cho kinh doanh xuất khẩu lại là một câu chuyện khác. Doanh nghiệp có thể gặp phải những thách thức như rào cản ngôn ngữ và văn hóa, những quy định và chính sách thương mại phức tạp và thay đổi liên tục, hạn chế trong việc tiếp cận tài liệu và nguồn thông tin uy tín và cuối cùng là sự biến đổi của thị trường đi kèm với rủi ro về mặt chính trị.
Giải pháp đưa ra là doanh nghiệp có thể tìm đến những tổ chức, công ty cung cấp dịch vụ phân tích thị trường cho kinh doanh xuất khẩu chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Những công ty này sở hữu các chuyên gia có chuyên môn sâu về phương pháp phân tích, công cụ và kỹ thuật tiếp cận thông tin. Họ được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và phân tích thị trường, giúp doanh nghiệp có được những thông tin và hiểu biết chính xác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nhân lực cũng như đưa ra chiến thuật phù hợp cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu của mình.
Sở hữu đội ngũ có chuyên môn về phân tích thị trường nước ngoài, AGlobal hy vọng đem lại cho doanh nghiệp trải nghiệm chuyên nghiệp và uy tín, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường kinh doanh trên Amazon để từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định phù hợp về sản phẩm, chiến lược quảng cáo,… đối với thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.
5. Kết luận
Phân tích thị trường là một quy trình không thể thiếu trong kinh doanh. Đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu, khi phân tích thị trường doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố quan trọng như đặc điểm thị trường, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh và các chính sách thương mại của quốc gia mà doanh nghiệp muốn bán sản phẩm.
Doanh nghiệp khi phân tích thị trường kinh doanh xuất khẩu có thể gặp một số rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế cũng như sự biến đổi liên tục của thị trường. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường quốc tế của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc lựa chọn những tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích thị trường uy tín có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực và hiểu rõ hơn về thị trường mà doanh nghiệp nhắm tới.
Nguồn: AGlobal