Bài viết nhằm làm rõ sự phát triển của dịch vụ xuyên biên giới và một số vấn đề liên quan tới cách thức đánh thuế cho những dịch vụ này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.
Tóm tắt: Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với xu hướng toàn cầu hóa làm cho các nền kinh tế đan xen và phụ thuộc mạnh mẽ lẫn nhau và khi kết hợp với sự bùng nổ của công nghệ số đã trở thành động lực cho sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Do đó, để tham gia vào nền kinh tế thế giới một cách hiệu quả thì hầu hết các quốc gia phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế nhằm tránh thất thoát thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như để phù hợp với những quy định quốc tế. Bài viết nhằm làm rõ sự phát triển của dịch vụ xuyên biên giới và một số vấn đề liên quan tới cách thức đánh thuế cho những dịch vụ này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.
1. Đặt vấn đề
Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đi cùng với toàn cầu hóa đã dẫn tới các nguồn lực như vốn, công nghệ, lao động… của khu vực tư nhân được chuyển dịch dưới tác động của quy luật cung cầu thị trường, vươn ra khỏi biên giới của một quốc gia, góp phần thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do toàn cầu. Điều đó làm cho các nền kinh tế đan xen và phụ thuộc mạnh mẽ lẫn nhau và khi kết hợp với sự bùng nổ của công nghệ số đã trở thành động lực cho sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Mặc dù mới xuất hiện từ những năm 2000 trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT nhưng TMĐT xuyên biên giới đã phát triển nhanh chóng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và lan rộng sang châu Á – Thái Bình Dương và các nước trên thế giới (Nguyễn, 2020). Khác biệt với hình thức thương mại truyền thống, TMĐT xuyên biên giới vượt khỏi phạm vi quốc gia và mang tính toàn cầu, không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo UNCTAD, doanh số TMĐT năm 2019 đạt 26,7 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, bao gồm cả doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) (UNCTAD, 2020). Năm 2021, theo eMarketer, thị trường TMĐT toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4,89 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu thì TMĐT xuyên biên giới càng trở nên phổ biến. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ – Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch. Báo cáo đánh giá về xu hướng mới trong ngành TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam của Amazon Global Selling nhận định, TMĐT xuyên biên giới đã và đang trên đà phát triển, nhất là từ năm 2020 đến nay thì TMĐT xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới”.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và TMĐT xuyên biên giới phát triển thì tính trên phạm vi quốc gia, để tham gia vào nền kinh tế thế giới một cách hiệu quả, hầu hết các nước phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế nhằm tránh thất thoát thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như để phù hợp với những quy định quốc tế. Đáng lưu ý, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mặc dù hàng rào bảo hộ truyền thống như thuế quan, liên minh thuế quan đang dần được dỡ bỏ, song những biện pháp phi thuế quan gây trở ngại cho thông thương ngày càng trở nên đa dạng và được sử dụng nhiều hơn. Ví dụ, việc các nước phát triển áp dụng những tiêu chuẩn về lao động, vệ sinh an toàn sản phẩm hoặc gắn thương mại với các điều kiện về chính trị, xã hội là một trong số những biểu hiện điển hình của các biện pháp nhằm hạn chế thương mại tự do.
Trên phạm vi quốc tế, khi các nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ sâu và rộng hơn dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế thì sẽ nẩy sinh những vấn đề như đánh thuế trùng giữa các nước, cạnh tranh thuế giữa các nước để thu hút FDI, đặc biệt là vấn đề đánh thuế với việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới. Bài viết nhằm làm rõ sự phát triển của dịch vụ xuyên biên giới và một số vấn đề liên quan tới cách thức đánh thuế cho những dịch vụ này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.
2. Tổng quan về dịch vụ xuyên biên giới
Sự phát triển của dịch vụ xuyên biên giới
Trong vòng hai thập niên gần đây, ngành dịch vụ chiếm khoảng 60-70% GDP toàn cầu. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở nhóm nước phát triển, dịch vụ được đánh giá là khu vực trọng điểm cho sự phát triển kinh tế, thông thường dịch vụ đóng góp từ 70-80% GDP. Ví dụ theo số liệu của OECD thì GDP của lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 90% GDP của Hồng Kông (Trung Quốc), 80% GDP của Mỹ, 74% GDP của Nhật Bản, 73% GDP của Pháp, 73% GDP của Anh và 71% GDP của Canađa. Dịch vụ đóng góp trên 50% GDP của các nền kinh tế Mỹ La Tinh như Brazil và Argentina, trên 60% GDP của các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp hóa mới ở châu Á như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia. Dịch vụ cũng chiếm tới 48% GDP của Ấn Độ và 40% GDP của Trung Quốc (OECD, 2000). Vài thập kỷ gần đây, trong bảng xếp hạng Fortune 500 hàng năm, số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng nhiều hơn thay thế cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Theo Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc WTO thì hơn một nửa giá trị dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm trên thế giới hiện nay chảy vào khu vực dịch vụ và sự tăng trưởng của các hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong những năm gần đây đã nhanh hơn tỷ lệ tăng trưởng của hoạt động sản xuất và thương mại hàng hóa thông thường trên thế giới.
Suốt một thời gian dài, người ta cho rằng không cần thiết phải có một hiệp định về thương mại dịch vụ quốc tế vì theo truyền thống, hầu hết các hoạt động dịch vụ đều là những hoạt động diễn ra trong phạm vi của một quốc gia và khó có thể tiến hành giao dịch qua biên giới. Chẳng hạn như khi đi cắt tóc hoặc khám bệnh, thường thì cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ đều là người trong cùng một nước. Hơn nữa, một số lĩnh vực như vận tải đường sắt hay viễn thông thường được xem như những lĩnh vực mà nhà nước nắm toàn quyền sở hữu và kiểm soát do tầm quan trọng về cơ sở hạ tầng cũng như bản chất độc quyền tự nhiên của chúng. Những lĩnh vực quan trọng khác như y tế, giáo dục, và dịch vụ bảo hiểm cơ bản được nhiều quốc gia coi là bổn phận của nhà nước do tầm quan trọng của chúng đối với xã hội và liên kết các vùng miền. Vì thế, những lĩnh vực dịch vụ này được kiểm soát rất chặt chẽ và việc cung cấp những dịch vụ đó không nhằm mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính ngân hàng và vận tải biển thì từ hàng thế kỷ nay đã có sự trao đổi xuyên biên giới. Đây là những lĩnh vực hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa phát triển. Các lĩnh vực khác cũng đang trải qua những thay đổi cơ bản mang tính kỹ thuật cũng như những thay đổi về luật lệ điều chỉnh, dẫn đến việc tham gia ngày càng nhiều hơn của khu vực tư nhân và sự giảm dần các hàng rào cản trở cho những người muốn tham gia. Sự phát triển của giao thông vận tải, thông tin liên lạc và Internet cũng khiến cho ngày càng có nhiều loại dịch vụ có thể thực hiện được khi người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ có quốc tịch khác nhau. Những dịch vụ như ngân hàng điện tử, khám bệnh từ xa hay du học phát triển được chính là nhờ điều đó. Từ năm 2014, một số quốc gia đã tiến hành cải cách nhằm giảm bớt các hạn chế thương mại dịch vụ như nâng mức hạn chế cổ phần sở hữu nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia), tự do hoá lĩnh vực truyền thông (Mexico), giảm các yêu cầu về lập trụ sở công ty (Nhật Bản)…. Nhiều chính phủ cũng đã cho phép cạnh tranh trong những lĩnh vực dịch vụ trước đây họ độc quyền, chẳng hạn như viễn thông. Điều này làm phát sinh nhu cầu cần có một Hiệp định quốc tế có nội dung hướng dẫn quản lý hoạt động dịch vụ xuyên biên giới. Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (viết tắt là GATS) là hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được ký kết sau khi kết thúc Vòng đàm phán Uruguay và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1995 (WTO, 1995). Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không chỉ điều chỉnh riêng lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đó.
Cho đến khi ký kết GATS vào năm 1995 thì rất khó có được số liệu chính thức về giá trị và khối lượng giao dịch của dịch vụ xuyên biên giới. GATS có thể được xem như tương đương với Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại. Cụ thể, GATS đề ra những khuôn khổ mà các cặp hoặc nhóm quốc gia có thể tham gia vào các thỏa thuận tự do hóa thương mại đối với việc cung ứng các dịch vụ, mặc dù bản thân các thỏa thuận đó không đồng nghĩa với việc tự do hóa thương mại.
Để đánh giá quy mô hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, WTO thực hiện so sánh với tổng giá trị thương mại xuyên biên giới. Cụ thể, WTO thống kê tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thế giới trong đó dịch vụ được chia nhỏ thành ba nhóm là dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch và các dịch vụ thương mại khác. Mặc dù giá trị hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên chiếm tới 70% GDP ở EU và nhiều nước phát triển khác và khoảng 50% tại các quốc gia đang phát triển, tuy nhiên tỷ lệ % giá trị xuất khẩu dịch vụ trên tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu thấp hơn nhiều khi chỉ ước khoảng 20%. Theo số liệu của các nước EU, tự do hóa hoạt động cung ứng dịch vụ vẫn khó đạt được dù có những dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán song phương và đa phương đang tiến triển theo hướng tích cực hơn (EU, 2015).
Phân loại dịch vụ xuyên biên giới
Phạm vi của các dịch vụ được giao dịch qua biên giới tức là giữa một nhà cung cấp tại một nước này và một khách hàng ở một nước khác đã mở rộng đáng kể trong hai thập kỷ vừa qua do việc áp dụng những tiến bộ trong lĩnh vực điện tử thông tin liên lạc. Trước khi việc sử dụng Internet trở nên phổ biến trong những năm 1990 và trước khi các cuộc gọi điện thoại quốc tế trở nên rẻ hơn và việc sử dụng cáp quang phổ biến hơn thì việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ít hơn nhiều.
GATS đã đề ra một khung khổ pháp lý quan trọng mà các quốc gia có thể sử dụng để tham chiếu khi quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Khung khổ không chỉ phân loại các dịch vụ xuyên biên giới như vận chuyển, thương mại mà còn đưa ra định nghĩa về bốn phương thức cung cấp dịch vụ cơ bản trong hoạt động thương mại quốc tế cụ thể như sau:
Một là, cung cấp qua biên giới. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ được tiến hành từ lãnh thổ của một nước này sang lãnh thổ của một nước khác. Ví dụ như gọi điện thoại quốc tế, khám bệnh từ xa trong đó bệnh nhân và bác sĩ khám bệnh ở tại hai nước khác nhau.
Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ. Người sử dụng dịch vụ mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác và sử dụng dịch vụ ở nước đó. Ví dụ như sửa chữa tàu biển, lữ hành, du học, chữa bệnh ở nước ngoài.
Ba là, hiện diện thương mại. Người cung cấp dịch vụ mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác, lập ra một pháp nhân và cung cấp dịch vụ ở nước đó. Ví dụ như ngân hàng thương mại mở một chi nhánh ở nước ngoài.
Bốn là, hiện diện thể nhân. Người cung cấp dịch vụ là thể nhân mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác và cung cấp dịch vụ ở nước đó. Ví dụ như một giáo sư được mời sang một trường đại học ở nước ngoài để giảng bài.
Theo quy định số MTN.GNS/W/120 của WTO thì dịch vụ được chia thành 12 nhóm lớn, gồm nhiều phân nhóm khác nhau như sau: (1) Các dịch vụ kinh doanh như tư vấn pháp lý, xử lý dữ liệu, nghiên cứu phát triển, nhà đất, cho thuê, quảng cáo; (2) Các dịch vụ thông tin liên lạc, ví dụ như bưu chính, viễn thông, truyền hình…; (3) Các dịch vụ xây dựng và kỹ thuật liên quan đến xây dựng; (4) Các dịch vụ phân phối, ví dụ như bán buôn, bán lẻ; (5) Các dịch vụ giáo dục; (6) Các dịch vụ môi trường, ví dụ như vệ sinh, xử lý chất thải; (7) Các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm; (8) Các dịch vụ liên quan đến y tế và dịch vụ xã hội; (9) Các dịch vụ liên quan đến du lịch và lữ hành; (10) Các dịch vụ giải trí, văn hóa, và thể thao; (11) Các dịch vụ giao thông vận tải; (12) Các dịch vụ khác (WTO, 1991).
3. Cách thức đánh thuế dịch vụ xuyên biên giới
Mặc dù giá trị dịch vụ xuyên biên giới chiếm trung bình 70% GDP trên toàn thế giới tuy nhiên việc đánh thuế thu nhập từ các dịch vụ này lại chưa được đề cập tới một cách toàn diện, thống nhất trong một văn bản pháp lý quốc tế nào. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý thuế của các quốc gia cũng như gia tăng khả năng tránh thuế, trốn thuế của các tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Những khía cạnh liên quan đến việc đánh thuế thu nhập cho các dịch vụ xuyên biên giới nằm trong nhiều văn bản quốc tế khác nhau. Ví dụ như đã đề cập tới ở phần trên thì GATS đã đề ra một khung khổ pháp lý mà các quốc gia có thể tham chiếu khi xây dựng các quy định về quản lý thuế hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên thông qua việc phân loại các hình thức dịch vụ cũng như định nghĩa về bốn phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Trong nội dung Hiệp định về phương thức đánh thuế của các quốc gia OECD (MTC) không có điều khoản cụ thể về việc đánh thuế thu nhập từ dịch vụ xuyên biên nhưng trong Hiệp định năm 2008 đã đưa ra định nghĩa về cơ sở thường trú (PE) để các quốc gia tham chiếu khi đưa ra những quy định liên quan tới cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (OECD, 2019).
Cụ thể MTC cho phép chính phủ nước chủ nhà đánh thuế thu nhập đối với các tổ chức/cá nhân nước ngoài nếu có cơ sở thường trú (PE) ở nước chủ nhà. Nội dung của MTC chỉ rõ hai hình thức thường trú là có địa điểm kinh doanh cố định hoặc là đại diện thường trú của tổ chức/cá nhân nước ngoài tại nước chủ nhà. Như vậy theo MTC, một công ty có thể gửi nhân viên của mình ra nước ngoài trong thời gian ngắn mà không chịu bất kỳ trách nhiệm thuế nào ở quốc gia mà họ tới công tác nếu không thuộc hai nhóm đối tượng trên.
Tuy nhiên, cần lưu ý là theo quy định trong Hiệp định về phương thức đánh thuế của Liên hợp quốc – là một văn bản cũng được nhiều quốc gia tham chiếu thì khái niệm “cung cấp dịch vụ thường xuyên” không yêu cầu phải có địa điểm kinh doanh cố định mà định nghĩa cung cấp dịch vụ thường xuyên được hiểu là việc cung cấp dịch vụ thường xuyên từ 183 ngày trong vòng 365 ngày tại nước chủ nhà cho cùng một dự án hoặc một số dự án có liên quan (UN, 2017).
Hiệp định MTC có đề cập một số loại dịch vụ xuyên biên giới cụ thể. Ví dụ, thu nhập từ các hoạt động của các ngôi sao thể thao và giải trí có thể đánh thuế tại quốc gia là nơi diễn ra các buổi biểu diễn; hay như lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải chỉ bị đánh thuế tại quốc gia mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào bao quát hết những trường hợp mà nước chủ nhà có thể đánh thuế tất cả các loại dịch vụ xuyên biên giới. Trên thực tế, những dịch vụ này rất đa dạng, có thể là tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì thiết bị, đào tạo và giáo dục và trong nhiều trường hợp, giá trị của các dịch vụ được thực hiện trong một quốc gia bởi những người không cư trú có thể rất cao, nhưng theo quy định nêu trong MTC thì nước chủ nhà vẫn không thể đánh thuế những dịch vụ đó trừ khi người không cư trú có cư trú thường xuyên tại quốc gia đó.
Một số quốc gia đã giải quyết vấn đề thuế của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (FSPs) không cư trú bằng cách đưa vào các điều khoản đặc biệt trong các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTT), cung cấp cho họ quyền thu thuế thu nhập phát sinh từ việc cung cấp các dịch vụ của người không cư trú dưới hình thức thuế nhà thầu. Tuy nhiên, áp thuế nhà thầu có thể hạn chế việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới do tổng số thuế phải nộp có thể sẽ vượt quá lợi nhuận của nhà cung cấp, đặc biệt tại các nước mà thuế nhà thầu không cho phép người nộp thuế có thể xin hoàn thuế. Mặc dù vậy các nước đang phát triển thường coi thanh toán phí dịch vụ liên quan tới FSP không cư trú là nguyên nhân làm xói mòn, giảm doanh thu thuế của họ bởi vì họ phải khấu trừ thuế cho các khoản thanh toán này.
Liên quan tới hình thức cung cấp dịch vụ theo như quy định của GATS, có thể thấy là đối với phương thức 1 và 2 thì MTC đã có quy định rõ ràng. Đối với hai phương thức này, nhà cung cấp hoàn toàn chịu thuế tại quốc gia nơi cư trú và do họ không thường trú tại quốc gia của khách hàng nên không phải chịu thuế trực tiếp ở đó.
Ở phương thức thứ 3 thì MTC cũng có quy định rõ ràng nếu nhà cung cấp dịch vụ mở công ty con hay có chi nhánh tại nước chủ nhà thì doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế cho nước chủ nhà. Tuy nhiên nếu hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ ở nước chủ nhà không phải là thường xuyên thì sẽ không phải nộp thuế trực tiếp cho nước chủ nhà.
Phương thức thứ 4 là gặp nhiều vấn đề lớn nhất khi thực hiện đánh thuế xuyên biên giới. Ở đây có quy định về những trường hợp cá nhân hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi công tác tới quốc gia của khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Ví dụ, phương thức cung cấp dịch vụ 4 sẽ bao gồm trường hợp một nhà tư vấn tư nhân có khách hàng nước ngoài và đi tới quốc gia của khách hàng đó để thực hiện dịch vụ tư vấn tại cơ sở của khách hàng. Hay là khi một doanh nghiệp gửi một số nhân viên ra nước ngoài để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng của mình hoặc để thực hiện những phần việc cụ thể trong một hợp đồng lắp đặt nhà máy và thiết bị. Hoặc nhân viên có thể được cử tới quốc gia của khách hàng để đào tạo cho nhân viên của khách hàng, ví dụ như về hoạt động của phần mềm máy tính mới. Mặc dù về mặt giá trị thì việc cung cấp dịch vụ theo phương thức 4 là nhỏ nhất so với ba phương thức trước đó nhưng lại đòi hỏi các quốc gia khi đàm phán cần thực hiện nhiều điều chỉnh nhất so với khung khổ chung mà GATS đã đưa ra. Cho tới hiện nay thì tiến độ đàm phán giữa các quốc gia về việc cung cấp hình thức dịch vụ này vẫn diễn ra chậm chủ yếu là do các quốc gia phát triển lo ngại việc cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (FSPs) không cư trú từ các nước đang phát triển đến và cung cấp dịch vụ có thể tạo thành một nguy cơ liên quan tới việc không kiểm soát được làn sóng di cư quốc tế.
Có thể nói, vấn đề thu thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm ký kết được những hiệp định để tránh đánh trùng thuế, hài hòa hóa thuế suất và sau đó cho phép ưu đãi thuế ở một mức độ nhất định nhằm giảm bớt sự cạnh tranh trong những hoạt động kinh tế song vẫn đảm bảo được số thu từ thuế cho các quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, sự chậm chạp trong tiến trình đàm phán các hiệp định về thuế cho thấy các chính phủ không thể đạt được mức độ hợp tác cao hơn nếu không có sự bảo trợ của một số tổ chức quốc tế đang tồn tại như Liên hợp quốc hoặc một vài tổ chức mới thành lập để giải quyết những vấn đề thuế quốc tế nói chung và thuế đối với các hoạt động dịch vụ xuyên biên giới nói riêng.
4. Đánh thuế dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam
Trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển TMĐT giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Mục tiêu của Kế hoạch là đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thống kê cho thấy giai đoạn 2014-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trung bình trên 30%/năm. Dự kiến, quy mô thị trường này sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan (Hương, 2020).
Trong nền kinh tế số, hoạt động TMĐT xuyên biên giới nói chung và đặc biệt kinh doanh cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là một trong những hoạt động đặc thù làm cho vấn đề quản lý thu thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới trở thành một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý Thuế của Việt Nam. Vấn đề chưa có được một khung khổ pháp lý thống nhất và hoàn chỉnh để quản lý hoạt động thu thuế dịch vụ xuyên biên giới dẫn tới tình trạng các tập đoàn lớn đa quốc gia bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt, gây tổn thất lớn đối với nguồn thu cho ngân sách nhà nước là một trong những bài toán mà Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra lời giải.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam. Số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook tăng từ 46,86 tỷ đồng năm 2016 lên tới 1.010 tỷ đồng vào năm 2019 và đạt 1.143 tỷ đồng trong năm 2020. Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, dự báo năm 2021, mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 22.000 tỷ đồng trong đó đến 80% số doanh thu khổng lồ này là thuộc về các tập đoàn như Google, Facebook. Có thể nói với hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm nhưng các tập đoàn này không phải trực tiếp thanh toán mà các nhà thầu, đại lý phải nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam hoặc thậm chí như trường hợp của AppleTV, Netflix, iQIYI… với hàng triệu thuê bao đang không ngừng tăng mạnh tại Việt Nam cùng mức doanh thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng còn chưa đóng thuế cho Việt Nam.
Hiện tại, theo quy định của pháp luật Việt Nam chưa có luật thuế nhà thầu chính thức. Các nội dung liên quan tới thuế nhà thầu ở Việt Nam mới chỉ được quy định trong hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam như Thông tư 103/2014/TT- BTC. Theo đó, các loại thuế áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ việc cung ứng dịch vụ hoặc những loại dịch vụ gắn liền với hàng hóa tại Việt Nam bao gồm: (1) Đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) Đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thì thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.
Mặc dù Thông tư 103 có đưa ra một số định nghĩa cơ bản như định nghĩa về tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở thường trú và không thường trú tại Việt Nam, đối tượng áp dụng và không áp dụng hình thức thuế nhà thầu tuy nhiên tính pháp lý của văn bản này còn chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hạn chế những lỗ hổng liên quan đến việc thu thuế hoạt động TMĐT xuyên biên giới, trong đó có hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Kết quả của các hoạt động này là việc ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng như Nghị định số 126/2020/NĐ-CP với những quy định mới tạo thành khung pháp lý quan trọng cho cơ chế thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã quy định cụ thể nguyên tắc khai thuế, tính thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo đó, kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 được đánh giá là công cụ để siết chặt hơn thuế TMĐT xuyên biên giới. Theo Nghị định 126, NHTM và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Cụ thể, nhà cung cấp ở nước ngoài sẽ đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Trong trường hợp họ không thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì hàng tháng, ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Tổng cục Thuế công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế và thông báo cho ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế số 38 và Nghị định số 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế trong đó có làm rõ hơn việc đánh thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam được nêu trong Khoản 4 Điều 42 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Do đây là đối tượng mới, đặc thù, phức tạp nên để hướng dẫn quy định tại điều này, dự thảo Thông tư dự kiến quy định về (i) Quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam và (ii) Quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nhận được thu nhập từ nhà cung cấp ở nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Dự thảo Thông tư quy định nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Về nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài, dự thảo nêu rõ: Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.
Có thể nói, sự phát triển của hoạt động TMĐT xuyên biên giới đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế các quốc gia tuy nhiên cũng tạo thành những thách thức cho việc thu thuế đối với hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới cho các cơ quan quản lý. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới. Tuy nhiên việc rà soát, cập nhật và điều chỉnh các quy định và chính sách thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam là nhiệm vụ mà các cơ quan quản lý cần vẫn tiếp tục thực hiện.
Tài liệu tham khảo
– Bộ Tài chính. (2014). Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014. Hà Nội: Bộ Tài chính.
– Chính phủ. (2020). Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 . Hà Nội: Chính phủ.
– Hương, U. (2020, October 3). Mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Retrieved from https://www.vietnamplus.vn/mo-ra-con-duong-moi-cho-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi/667246.vnp
– Nguyễn, V. D. (2020). Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới hậu Covid-19 và gợi mở chính sách cho Việt Nam, . Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 6.
– OECD. (2000). The Service Economy. Business and Industry Policy Forum Series. . OECD.
– OECD. (2019). Model Tax Convention on Income and on Capital 2017. OECD.
– Quốc hội. (2019). Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 . Hà Nội: Quốc hội.
– Thủ tướng. (2020). Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 . Hà Nội: Chính phủ.
– UN. (2017). Model Double Taxation Convention between Developed and Developing countries 2017. New York: UN.
– UNCTAD. (2020). Estimates of global E-commerce 2012 and preliminary assessment of Covid-19 impact on online retail 2020. UNCTAD.
– WTO. (1991). MTN.GNS/W/120 . WTO. Retrieved from
https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S009logueIdList=179576&CurrentCatalogueIdInd%20x=0&FullTextHash=&HasEnglishRecord=True&HasFrenchRecord=True&HasSpanishRecord=True
– WTO. (1995). General Agreement on Trade in Services. WTO.
Nguồn: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2021