Theo thống kê của BrightEdge, Sparktoto:
-
68% trải nghiệm của người dùng trên các nền tảng trực tuyến đều bắt đầu từ việc tìm kiếm.
-
53% lượt truy cập tự nhiên của các website bắt nguồn từ việc tìm kiếm tự nhiên.
-
93% lượt tương tác đến từ hoạt động tìm kiếm trên Google, Google Images và Google Maps.
Từ những chỉ số trên, bạn có thể thấy rõ hành vi của người dùng đều bắt nguồn từ việc tìm kiếm. Chính vì vậy, việc tối ưu hoá công cụ tìm kiếm trở thành một bước đi lâu dài không thể thiếu của mọi chiến lược Marketing.
Trong bài viết này, bạn cùng mình tìm hiểu về SEO, thuật toán của Google và hiểu đúng về mô hình tháp SEO nhé.
SEO là gì?
SEO, từ viết tắt của Search Engine Optimization, được dịch là tối ưu hoá công cụ tìm kiếm. SEO là một tập hợp các kỹ thuật và phương pháp được sử dụng để cải thiện khả năng hiển thị của trang web trong kết quả tìm kiếm tự nhiên (organic search results) dựa trên các từ khóa liên quan đến nhu cầu của người dùng.
Khi triển khai chiến lược SEO thành công, trang web sẽ có cơ hội xuất hiện vị trí hàng đầu trong kết quả tìm kiếm. Điều này có thể mang lại lượng truy cập tự nhiên nhiều hơn và tăng sự nhận diện của thương hiệu của doanh nghiệp.
Thuật toán tìm kiếm, phân tích và xếp hạng nội dung của Google
Với các website, Google sẽ quan tâm đến 3 khía cạnh E-A-T: chất lượng (expertise), uy tín (authoritativeness) và độ tin cậy (trustworthiness).
Khi người dùng bắt đầu tìm kiếm một nội dung dựa trên từ khoá, bước đầu tiên, Google sẽ quyét tất cả nội dung có sẵn. Tiếp theo, Google quyết định mức độ liên quan của nội dung bằng cách đánh giá theo một số tiêu chí như từ khoá, chất lượng nội dung, tốc độ tải của website, … Cuối cùng, nội dung được xếp hạng dựa trên độ tin cậy của trang web.
Thuật toán của Google
Hiểu một cách đơn giản, bạn có thể hình dung thuật toán của Google như cách bạn lựa chọn một cuốn sách. Bước thứ nhất, bạn sẽ tìm kiếm cuốn sách trong thư viện. Bước thứ hai, bạn tiến hành phân loại thể loại sách bạn muốn đọc ở khu vực nào. Và cuối cùng, bạn sẽ chọn một số cuốn sách đúng với nhu cầu tìm kiếm của bạn.
Mô hình tháp giúp bạn hiểu đúng bản chất SEO
Tháo SEO được chia thành 4 tầng: technical SEO, content, on-page SEO và off-page SEO. Hiểu được mô hình này, bạn sẽ có một góc nhìn toàn diện về tất cả các khía cạnh bạn cần chú trọng trong chiến lược SEO.
Tháp SEO
Bước đầu tiên trong chiến lược SEO chính là đảm bảo xây dựng cấu trúc website một cách logic và đúng kỹ thuật. Để làm được điều đó, bạn cần:
-
Có kết nối HTTPS an toàn;
-
Tốc độ tải trang không quá 2s;
-
Giao diện thân thiện, dễ dùng trên ứng dụng điện thoại;
-
Có cấu trúc SEO logic;
-
Được quyét (crawl) và xếp hạng (index) bởi các công cụ tìm kiếm.
Cấu trúc website
“Content is King”. Sau khi xây dựng được website đúng kỹ thuật công nghệ và các tiêu chí của technical SEO, bạn cần tối ưu chất lượng nội dung được đăng tải trên website. Google sẽ đánh giá liệu nội dung nào sẽ trả lời đúng nhu cầu tìm kiếm của người dùng.
Bạn có thể thể hiện nội dung bằng bất kỳ hình thức nào, ví dụ như chữ viết, hình ảnh, video, pdf và nhiều hơn thế nữa. Để sản xuất những nội dung đáp ứng nhu cầu người dùng, bạn nên phân tích từ khoá, bao gồm số lượng tìm kiếm từ khoá và mục đích của người dùng.
Phân tích chi tiết hơn vào nội dung website, bạn sẽ tìm ra các khía cạnh cần tối ưu cho on-site SEO. Với on-site SEO, có 5 điểm chính bạn cần lưu ý:
-
Tiêu đề trang và meta description;
-
Kích thước hình ảnh và alt-text;
-
Các tiêu đề từ H1 đến H3 trong nội dung website;
-
Chèn các link nội bộ;
-
Giao diện UX và UI.
Cuối cùng, off-page SEO là “vũ khí” không thể thiếu của một chiến lược SEO toàn diện. Off-pape SEO bao gồm:
-
Xây dựng số lượng link đề cập đến link website của bạn (link building);
-
Linh hoạt kết hợp từ khoá và nội dung của H1-H3 vào nội dung của webpage;
-
Tận dụng các nền tảng mạng xã hội để loan toả nội dung.
Xây dựng chiến lược SEO dài hạn
Nếu bạn là người mới bắt đầu với SEO, thì mô hình tháp sẽ là “la bàn” giúp bạn đặt những viên gạch nền móng đầu tiên trong chiến lược SEO.
Để đạt được những chỉ số khả quan, bạn cần thiết kế kế hoạch phát triển nội dung dài hạn, triển khai những thông tin hữu ích, có giá trị với người dùng, cũng như đảm bảo phần kỹ thuật của website được xây dựng một cách logic nhất. Khi số điểm SEO của website càng cao, người dùng càng dễ dàng tìm kiếm và truy cập trang web của bạn.